Những việc làm không cần thiết cho ô tô
(VTC News) –
Nhiều chủ xe có xu hướng đầu tư thêm tiền để nâng cấp ô tô sau khi mua, sử dụng nhiên liệu cao cấp để hy vọng xe bền, đệp hơn.
Tuy nhiên, không phải sự đầu tư nào cũng xứng đáng với số tiền bỏ ra. Do vậy, cần tìm hiểu, cân nhắc một cách kỹ lưỡng khi sử dụng. Dưới đây là một số việc làm không cần thiết cho ô tô được nhiều chuyên gia khuyến cáo.
Đổ xăng cao cấp
Mỗi một loại xe được thiết kế ra đều sử dụng một loại xăng nhất định tùy vào tỷ lệ nén của động cơ. Nhiều người nghĩ đổ loại xăng cao cấp hơn sẽ giúp duy trì độ bền, hiệu suất tăng cao thì có thể đã lầm, thậm chí điều này sẽ khiến tài xế tốn tiền hơn rất nhiều.
Thực tế, nếu sử dụng trong một thời gian dài, xe ô tô sẽ giảm hiệu năng hoặc có thể gây ra hư hỏng khác là phát sinh hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, không cần thiết phải đổ xăng cao cấp cho xe.
Bơm khí ni-tơ cho lốp xe
Có rất nhiều garage hiện nay sử dụng khí ni-tơ thay thế cho khí nén cơ bản để bơm cho ô tô. Trên lý thuyết, ni-tơ tinh khiết ít bị nén và co giãn tốt hơn không khí nén.
Trên thực tế, 78% của khí nén đã là ni-tơ vì vậy không có nhiều sự khác biệt ở đây.
Nếu việc thay thế hai loại khí này không tốn kém thì tài xế có thể sử dụng. Tuy nhiên nếu phải trả tiền thêm thì lái xe nên dùng như cũ để tiết kiệm chi phí.
Chuyển đổi kit tiết kiệm nhiên liệu
Các hãng xe đã tiêu tốn hàng tỷ USD là để nghiên cứu công nghệ tiết kiệm nhiên liệu vì vậy tài xế nên tin tưởng vào hãng hơn là tin vào các “chiêu trò” của các garage.
Các garage có thể thay thế kit, bộ lộc gió hay thậm chí các bướm ga để giúp động cơ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Tuy nhiên, việc làm này về lâu dài sẽ chỉ làm động cơ xe giảm tuổi thọ, hư hỏng, đặc biệt là tốn kém tiền bạc.
Dụng cụ chăm sóc xe cấp thời
Thị trường phụ kiện ô tô vốn rất đa dạng với nhiều sản phẩm khiến tài xế không thể để mắt đến, trong có có các dụng cụ chăm sóc xe cấp thời: keo vá, sơn chống gỉ, máy hút bụi…
Thoạt nhìn, hầu hết các sản này đều cần thiết cho người dùng ô tô trong lúc cấp bách thế nhưng về lâu về dài sẽ gây ra những tác động phụ không hề mong muốn.
Việc sử dụng chúng chỉ tốt cho thời điểm trước mắt còn về sau những hư hỏng do chúng gây ra có thể khiến lái xe đau đầu và tốn kém hơn rất nhiều về việc bảo trì, sửa chữa.
Trang bị mâm, âm thanh và TV
Đây là một thói quen hay gặp nhất ở những người sử dụng ô tô. Họ thường đầu tư rất nhiều vào các hệ thống giải trí như: đổi mới dàn âm thanh nguyên bản, thay đổi đèn LED nhiều màu, thay đổi màn hình, trang bị thêm TV cho xe, thậm chí trang bị các loại mâm đắt tiền với màu sắc sỡ để phục vụ mục đích làm đẹp cho xe.
Thế nhưng, nếu xét về tính thực tế thì những việc làm trên không mang lại lợi ích gì cho xe mà còn khiến tài xế thêm tốn kém.
Thay dầu động cơ quá sớm
Việc thay dầu cho động cơ là cần thiết, giúp duy trì tình trạng vận hành trơn tru của động cơ. Tuy nhiên, không phải cứ thay dầu là tốt cho động cơ. Chủ xe cần thay dầu đúng thời điểm, không nên thay quá sớm cũng như quá muốn. Thời gian thay dầu theo khuyến cáo của nhà sản xuất là 8.000 – 11.000 km là tốt nhất.
Những xe hoạt động và vận hành với điều kiện khắc nghiệt thì thời gian thay dầu nên sớm hơn, khoảng 4.000 – 5.000km.
Mỗi hãng xe ô tô khác nhau sẽ có quy định về thời điểm bảo dưỡng động cơ xe ô tô mới khác nhau. Tuy nhiên mức bảo dưỡng lần đầu sẽ rơi vào khoảng từ 3.000km đến 5.000km, tương đương 3 – 6 tháng sử dụng xe kể từ thời điểm xe hoạt động lần đầu tiên.
Đối với việc bảo dưỡng lần đầu, chủ xe nên đưa xe tới trung tâm sửa chữa thay vì tự bảo dưỡng. Đây chính là bước tiền đề cho quá trình hoạt động lâu dài của xe, vì vậy chủ xe không nên chủ quan.
Dù là xe ô tô mới mua hay xe ô tô đã qua sử dụng lâu ngày thì việc thay dầu định kỳ vẫn là điều rất cần thiết để đảm bảo độ bền cho xe. Khi thay dầu máy, chủ xe nên hỏi kỹ chuyên gia bảo dưỡng xe về loại dầu phù hợp với dòng xe mà mình đã sử dụng để dầu có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.